Từ vụ thảm sát ở Bình Phước: Mất cảnh giác khi phó thác cho camera giám sát?
“Camera hiện nay thượng vàng hạ cám, muốn an toàn và an tâm, không phải bạn nhìn vào những nhãn hiệu camera nước ngoài (mà đa số bị làm giả, nhái…) mà cái quan trọng là lựa chọn đúng nhà cung cấp có uy tín và kinh nghiệm…”
Cần tăng cường hơn nữa hệ thống an ninh giám sát của cộng đồng chứ không chỉ cá nhân
“Hiện nay, các loại đối tượng phạm tội có diễn biến khá phức tạp, khó lường. Trong khi đó, hệ thống an ninh giám sát cộng đồng ở các địa phương vẫn còn khá mỏng. Vì vậy, người dân ngoài việc tăng cường kiến thức tự bảo vệ bản thân và gia đình thì cũng cần phải có những trang thiết bị hỗ trợ nhất định”, đó là ý kiến của PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng (ảnh trên), nguyên Phó Viện trưởng viện Khoa học hình sự – bộ Công an, Giám đốc trung tâm Tư vấn, giám định dân sự về bài học cảnh giác cho người dân sau những thảm án vừa diễn ra gần đây.
PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Phó Viện trưởng viện Khoa học hình sự- Bộ Công an.
Một vụ án phức tạp có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ thảm sát gây rúng động dư luận như vụ thảm án 6 người tại Bình Phước, vụ thảm án 4 người trong một gia đình ở Nghệ An. Qua các thông tin mà báo đài đã đưa, ông có nhận định gì về các vụ án này?
Đây là những vụ án mà mức độ dã man, máu lạnh của các đối tượng khiến cho những chuyên gia về tội phạm học cũng phải rùng mình. Xã hội của chúng ta ngày càng phát triển thì các loại tội phạm càng có những diễn biến phức tạp. Một phần nguyên nhân là do sự ảnh hưởng của những văn hóa lai tạp, bạo lực từ bên ngoài vào. Thậm chí, một người hiền lành, chân chất nhưng khi bị đẩy vào bước đường cùng, bị dồn ép thì cũng sẽ có những hành động phản kháng, thậm chí gây án man rợ. Thực tế cũng đã chứng minh về những trường hợp tương tự. Như trường hợp cậu sinh viên người Mỹ nổ súng thảm sát trường tiểu học khiến hàng chục người chết cuối năm 2012. Cậu thanh niên này được đánh giá là hiền lành, mấy ai ngờ là có thể gây ra tội ác tày đình như vậy. Như trường hợp hung thủ giết 6 người trong một gia đình ở Bình Phước cũng vậy, hắn được người dân xung quanh đánh giá là khá hiền lành. Nhưng theo tôi, cái gì cũng có quá trình, tư tưởng máu lạnh có thể đã ngấm vào y từ rất lâu rồi.
Sự cần thiết phải nối mạng an ninh
Hiện nay, nhiều gia đình, cơ quan, doanh nghiệp đã tự trang bị cho mình hệ thống camera an ninh. Thực tế nhiều năm làm việc liên quan tới lĩnh vực khoa học hình sự, ông nghĩ sao về sự cần thiết phải lắp đặt hệ thống này?
Đây là một loại công cụ hỗ trợ thuận lợi cho việc giám sát. Tuy nhiên, người dân cần phải hiểu rõ về nó, mua ở đâu, mua như thế nào có uy tín và sử dụng như thế nào để có hiệu quả cao nhất chứ không phải cứ lắp đặt là có thể yên tâm hoàn toàn.
Cùng với việc lắp đặt camera an ninh, nhiều người lại có tâm lý chủ quan, ỷ vào hệ thống camera này mà thiếu đi các biện pháp tự bảo vệ thực tiễn?
Tâm lý này là có thực và cũng dễ hiểu khi người ta đã có trang bị và nghĩ rằng có thể kiểm soát được những diễn biến xung quanh nơi ở của mình. Tuy nhiên, cũng sẽ có những tình huống ngoài dự đoán như bị che đi, bị cắt nguồn… Vì vậy, người dân cần phải trang bị nhiều hơn những kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ mình. Ngoài các công cụ hỗ trợ thì người ta phải tự lượng được những vấn đề trong cuộc sống của mình, liệu có tồn tại mâu thuẫn cá nhân, mâu thuẫn trong các mối quan hệ hay không. Cảm nhận được sự nguy hiểm có thể sẵn sàng đe dọa mình thì mới đề cao được cảnh giác. Điều này là rất quan trọng.
Đặc biệt là các cá nhân, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có giá trị như cửa hàng vàng, ngân hàng, nơi cầm cố tài sản lớn,… Người dân càng phải trang bị đồng bộ kiến thức và phương tiện hỗ trợ. Ngoài ra, xã hội cũng phải tăng cường hệ thống an ninh giám sát của cộng đồng để có thể bảo vệ người dân thiết thực hơn.
Hệ thống giám sát an ninh của cộng đồng như ông nói, có thể hiểu cụ thể như thế nào?
Tôi đơn cử ở nước ngoài, đường sá, giao thông, khu dân cư,… không chỉ có một hệ thống camera giám sát mà là rất nhiều. Khi có vụ việc gì diễn ra trong một địa điểm nhất định, qua các hệ thống camera công cộng này, người ta sẽ thu thập được những thông tin ban đầu, không sợ sự cố cái này hỏng, cái kia không. Ở Việt Nam, trong tương lai thiết nghĩ vấn đề này cũng phải được tăng cường. Hệ thống camera phải được nối mạng internet giúp lưu trữ thông tin nhiều hơn, tốt hơn.
Thứ nữa, hệ thống an ninh trong khu vực phải tính đến từ chính nhân tố con người, mà ở đây là lực lượng công an khu vực, an ninh cơ sở. Lực lượng này nắm chắc được các bước điều tra cơ bản đi sâu đi sát cơ sở sẽ nắm được tất cả các di biến động, những khả nghi trên địa bàn từ đó sẽ có những biện pháp nghiệp vụ và khuyến cáo cho người dân cảnh giác trước các nguy cơ. Nhưng có một thực tế là hiện nay, những người làm an ninh cơ sở, công an khu vực thường bị thuyên chuyển nhiều nên không nắm vững hết di biến động của các đối tượng, tệ nạn trên địa bàn.
Lời khuyên sau cùng của ông với người dân về bài học cảnh giác?
Tăng cường kiến thức về trật tự an toàn xã hội, trang bị phương tiện bảo vệ, không ỷ lại vào hệ thống camera giám sát mà quên đi tinh thần cảnh giác. Bên cạnh đó, khi máy móc hỗ trợ thì cũng phải kiểm tra thường xuyên và có kế hoạch tu bổ, sửa chữa để không bao giờ công cụ giám sát bị gián đoạn.
Xin cảm ơn ông!